Bệnh trĩ là gì?
Bệnh trĩ là tình trạng các tĩnh mạch hậu môn bị giãn ra làm cho quá trình lưu thông máu ở vùng hậu môn bị trì trệ, gây ra ứ máu và tạo thành các búi trĩ. Bệnh trĩ là bệnh thường gặp với tỉ lệ mắc bệnh khá cao. Tỷ lệ người mắc bệnh trĩ ở nước ngoài là 50% dân số, còn ở Việt Nam cũng đạt mức từ 35-50%.
Bệnh trĩ có mấy loại?
Bệnh trĩ có 3 loại. Trĩ hình thành trong trực tràng được gọi là trĩ nội và hình thành xung quanh hậu môn được gọi là trĩ ngoại. Trên một số bệnh nhân xuất hiện cả trĩ nội và trĩ ngoại, khi bệnh diễn tiến lâu ngày, phần trĩ nội và phần trĩ ngoại sẽ liên kết với nhau, tạo thành trĩ hỗn hợp. Búi trĩ nội, khi đã sa tới độ 3, thường hiện diện dưới hình thái trĩ hỗn hợp
Ai có thể mắc bệnh trĩ?
Trĩ thường xảy ra phổ biến nhất ở độ tuổi 45 - 65 và nó cũng thường được thấy ở người trẻ. Ở người lớn tuổi, mô liên kết giữa hậu môn và trực tràng suy yếu nên dễ bị trĩ hơn. Tuy nhiên, mọi lứa tuổi đều có khả năng bị trĩ, nguyên nhân phổ biến là do áp lực lên hậu môn liên quan đến táo bón hoặc tiêu chảy và chế độ ăn uống không hợp lý. Tương tự trong thời kỳ mang thai, áp lực lên bụng tăng dẫn đến tĩnh mạch dễ bị sưng phồng vì vậy cũng có thể gây ra trĩ.
Bệnh trĩ có lây truyền không?
Bệnh trĩ là bệnh không phải do một loại vi trùng, vi rút nào gây ra, nguyên nhân mắc bệnh trĩ như đã nói chủ yếu do áp lực lên hậu môn và lối sống không hợp lý. Do vậy, bệnh trĩ không lây thông qua việc tiếp xúc giữa người với người. Tuy nhiên, bệnh trĩ có tính di truyền cao.
Những hệ lụy và biến chứng của bệnh trĩ:
Bệnh trĩ gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống do các triệu chứng đại tiện ra máu, đau rát hậu môn, sa lồi búi trĩ gây viêm nhiễm, ẩm ướt khó chịu. Bệnh trĩ kéo dài dẫn đến chảy máu mãn tính, chảy máu nặng gây thiếu máu là ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt của người bệnh, giảm khả năng làm việc của con người. Ngoài ra, bệnh trĩ có thể gây nên một số biến chứng đáng lo ngại như sau:
- Nhiễm khuẩn: Khi hậu môn bị đau rát, việc vệ sinh hậu môn cũng sẽ rất đau và khó chịu. Việc này dẫn tới vấn đề vệ sinh không được đảm bảo và có thể gây ra nhiễm khuẩn. Thời gian kéo dài sẽ gây nên hiện tượng nhiễm trùng ngược, vi khuẩn sẽ xâm nhập vào máu gây nên các bệnh nhiễm trùng toàn thân như nhiễm trùng máu, viêm mạch bạch huyết ảnh hưởng lớn đến tính mạng bệnh nhân.
- Tắc mạch trĩ: Do búi trĩ xung huyết, nhiều cục máu đông và tụ lại ở hậu môn nên gây cản trở sự lưu thông bình thường của tĩnh mạch và động mạch vùng hậu môn dẫn đến búi trĩ sưng to. Nhiều trường hợp, bệnh nhân cần làm tiểu phẫu để lấy cục máu ra để tránh tình trạng áp xe nhiễm khuẩn.
- Trĩ sa nghẹt: Tình trạng nghẹt xảy ra khi búi trĩ sa ra ngoài, mạch bị tắc gây phù nề do đó không thể thụt lại trong lòng trực tràng được. Hậu môn có thể nghẹt một phần hoặc một nửa hoặc toàn bộ. Trĩ sa nghẹt đẩy lên rất khó hay hoàn toàn không đẩy lên được, do phù nề nhiều hơn và do cơ vòng thắt chặt. Trĩ sa nghẹt có khi đỡ sưng, đỡ phù nề dần rồi tự đẩy lên được, nhưng cũng có khi bị hoại tử, lở loét và nhiễm khuẩn. Khi mặt ngoài của trĩ sa nghẹt là da màu xám, mặt trong là niêm mạc nâu đỏ, sưng nề rải rác có những nốt xám đen là dấu hiệu hiện tượng hoại tử bắt đầu.. Trĩ sa nghẹt làm bệnh nhân rất đau đớn.
- Bội nhiễm: nếu trĩ bị đẩy ra ngoài lâu, chảy máu liên tục thì rất dễ bị bội nhiễm vi khuẩn bởi vì hậu môn là đường ra của phân và nước tiểu mà trong phân có rất nhiều các vi khuẩn. Đây là biến chứng nguy hiểm dễ dẫn tới các bệnh khác.